Điều 57. Kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; năng lực gia công,
sản xuất
1. Các trường hợp kiểm tra cơ sở gia công, sản
xuất hàng hóa xuất khẩu; năng lực gia công, sản xuất:
a) Tổ chức cá
nhân thực hiện hợp đồng gia công lần đầu;
b) Tổ chức cá
nhân lần đầu được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu
để sản xuất hàng xuất khẩu;
c) Trường hợp
theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 39 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
2. Thủ tục kiểm
tra
a) Quyết định kiểm tra theo mẫu số 13/KTCSSX/GSQL phụ lục V ban hành kèm
Thông tư này được gửi trực
tiếp hoặc bằng thư bảo đảm, fax cho người khai hải quan trong thời hạn 03 ngày
làm việc kể từ ngày ký và chậm nhất là 05 ngày làm việc trước khi tiến hành
kiểm tra;
b) Việc kiểm
tra được thực hiện sau 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra.
Thời hạn kiểm tra không quá 05 ngày làm việc.
3. Nội dung
kiểm tra
a) Kiểm tra địa
chỉ cơ sở gia công, sản xuất: kiểm tra địa chỉ cơ sở gia công, sản xuất ghi
trong văn bản thông báo cơ sở gia công, sản xuất hoặc ghi trên giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh;
b) Kiểm tra nhà
xưởng, máy móc, thiết bị:
b.1) Kiểm tra chứng
từ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp về nhà xưởng, mặt bằng sản xuất; kho, bãi
chứa nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị;
b.2) Kiểm tra
quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc thiết bị, số lượng máy
móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện có tại cơ sở gia công, sản xuất; kiểm
tra tình trạng hoạt động, công suất của máy móc, thiết bị.
Khi tiến hành
kiểm tra, cơ quan hải quan kiểm tra các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu
(trường hợp nhập khẩu); hoá đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị hoặc đối chiếu
sổ kế toán để xác định (trường hợp mua trong nước); hợp đồng thuê tài chính
(trường hợp thuê tài chính); hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng (trường hợp đi
thuê). Đối với hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng thì
thời hạn hiệu lực của hợp đồng thuê bằng hoặc kéo dài hơn thời hạn hiệu lực của
hợp đồng xuất khẩu sản phẩm;
c) Kiểm tra
tình trạng nhân lực tham gia dây chuyền sản xuất thông qua hợp đồng ký với
người lao động hoặc bảng lương trả cho người lao động;
d) Kiểm tra
thông qua Hệ thống sổ sách kế toán theo dõi kho hoặc phần mềm quản lý hàng hóa
nhập, xuất, tồn kho lượng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị.
4. Lập Biên bản
kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất; năng lực gia công, sản xuất:
Kết thúc kiểm
tra, công chức hải quan lập Biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra cơ sở gia công,
sản xuất theo mẫu số 14/BBKT-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này. Nội
dung Biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất phản ánh đầy
đủ, trung thực với thực tế kiểm tra và xác định rõ:
a) Tổ chức, cá
nhân có hoặc không có quyền sử dụng hợp pháp về mặt bằng nhà xưởng, mặt bằng
sản xuất;
b) Tổ chức, cá
nhân có hoặc không có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc,
thiết bị, dây chuyền sản xuất tại cơ sở gia công, sản xuất (máy móc, thiết bị,
dây chuyền sản xuất do tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư) và phù hợp với nguyên
liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu;
c) Số lượng máy
móc, thiết bị, số lượng nhân công.
Biên bản kiểm
tra phải có đầy đủ chữ ký của công chức hải quan thực hiện kiểm tra và người
đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
5. Xử lý kết
quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất; năng lực gia công, sản xuất thực hiện
theo qui định tại khoản 3 điều 39 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Kết quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất; năng lực gia công, sản
xuất được cập nhật vào Hệ thống. Trích Điều 57 Thông tư 38/2015/TT-BTC
|